Hậu trường bóng đá Son Heung Min: Sonaldo – người châu Á đầu...

Son Heung Min: Sonaldo – người châu Á đầu tiên đặt chân lên Dải thiên hà

-

- Advertisment -

Cha Bum Kun là người châu Á đầu tiên giành UEFA Cup; Hidetoshi Nakata là người châu Á đầu tiên giành Scudetto (vô địch Serie A); Park Ji Sung là người châu Á đầu tiên đăng quang tại Ngoại hạng Anh và vô địch Champions League… còn Son Heung Min, anh là người châu Á đầu tiên đặt chân lên Dải thiên hà.

Đầu tiên, cần minh định, Dải thiên hà ở đây không phải là khái niệm thiên văn học. Đó là thuật ngữ quen thuộc với các tín đồ túc cầu, được phiên dịch từ chữ Galacticos. Sở dĩ thuật ngữ này được phổ biến bằng tiếng Tây Ban Nha thay vì tiếng Anh là bởi sự liên hệ mật thiết với đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha Real Madrid.

Từ những năm 1950, dưới thời cố chủ tịch vĩ đại Santiago Bernabeu, Real Madrid đã áp dụng chính sách Galacticos để phát triển lực lượng và chinh phục đỉnh vinh quang. Nôm na, Real quy tụ về dưới trướng nhiều siêu sao (Galactico) để tạo thành Dải thiên hà (Galacticos). Thời gian này, Los Blancos chiêu mộ Di Stéfano, Puskas, Kopa , Santamaria, Rial hay Gento và lập chiến tích vô tiền khoáng hậu vô địch C1 5 lần liên tiếp.

Từ đó, chính sách tuyển mộ siêu sao trở thành kim chỉ nam phát triển của đội bóng Hoàng gia. Tuy nhiên, thuật ngữ Galacticos chỉ thực sự xuất hiện và phổ biến từ những năm 2000 dưới thời chủ tịch Florentino Perez. Đáng nhớ nhất là thế hệ Galacticos đầu tiên, hay còn gọi là Galacticos 1.0, với Raul, Figo, Zidane, Ronaldo và Beckham.

Lứa siêu sao này giành 1 La Liga và 1 Champions League và gây thương nhớ cho mọi CĐV bởi lối chơi hào hoa phong nhã. Galacticos 2.0 tuy thành công hơn về mặt danh hiệu và không hề thua kém về giá trị chuyển nhượng song không gây ấn tượng bằng bởi lối chơi có phần thực dụng. Hơn nữa, tầm ảnh hưởng của Cristiano Ronaldo quá rộng, khiến cho các tên tuổi khác bị lu mờ.

Ngoài khía cạnh chuyên môn, một giá trị to lớn khác những siêu sao mang lại cho Real là độ phủ sóng thương hiệu và những bản hợp đồng quảng cảo. Hãy để ý những cầu thủ của thế hệ Dải thiên hà thứ nhất, đó đều là những siêu sao sở hữu lượng fan khổng lồ nhưng tạo ra tầm ảnh hưởng tại các thị trường khác nhau cho đội bóng Hoàng gia.

Thị trường nội địa (Tây Ban Nha) có thủ quân Raul Gonzalez. Thị trường lân cận có Figo (Bồ Đào Nha), Zidane (Pháp). Ngoài ra, Zizou còn giúp Real đánh chiếm thị trường Bắc Phi nhờ gốc gác Algeria. Ronaldo là thần tượng tuyệt đối tại xứ sở samba Brazil. Và đặc biệt nhất, tài tử sân cỏ Beckham làm say đắm người hâm mộ từ Âu sang Á, đặc biệt là tại quê nhà Anh quốc và vùng Á Đông rộng lớn đang phát triển.

Sau thành công của Real Madrid, nhiều đội bóng cũng manh nha áp dụng chính sách Galacticos, với việc chuyển nhượng nhắm đến những cầu thủ có nhiều sức hút thay vì vấn đề chuyên môn thuần túy. Nếu không nhắm đến thị trường tỷ dân Trung Quốc, Manchester United chiêu mộ Dong Fangzhuo để làm gì?! Tương tự là hiện tượng một loạt cầu thủ Thái Lan bỗng dưng được chơi bóng tại Premier League trong màu áo Man City.

Tựu trung, Galacticos/Dải thiên hà không chỉ thể hiện sức mạnh, sự giàu sang phú quý của một đội bóng mà còn mang tính biểu tượng của giai đoạn thương mại hóa của bóng đá.

Sự thua kém về thể hình lẫn thể chất cộng với  việc sinh sau đẻ muộn khiến châu Á luôn bị xem là vùng trũng trên bản đồ bóng đá thế giới. Thành tích tại các kỳ World Cup là minh chứng rõ rệt cho vấn đề này. Ngoại trừ chiến tích, và cũng có thể xem là bê bối, của đội tuyển Hàn Quốc tại kỳ World Cup 2002 được tổ chức trên sân nhà, chỉ có Triều Tiên năm 1966 là đại diện duy nhất của bóng đá lục địa vàng vào đến vòng tứ kết.

Trong khi đó, Nam Mỹ và Âu châu vốn là hai cột trụ của bóng đá thế giới. Úc châu cùng Bắc Mỹ và Caribe hạn chế về dân số và cũng không xem trọng túc cầu song cũng có vài thành tích và ấn tượng nhất định. Lục địa cuối cùng là Phi châu, tuy lạc hậu đến mức mông muội vẫn nhiều lần gây bất ngờ tại các kỳ World Cup. Nguyên do đến từ mã nguồn gen phong phú và dồi dào nhất thế giới của lục địa đen.

Thể thao suy cho cùng thể chất và thể hình vẫn đóng vai trò tiên quyết, sau đó mới đề cập đến các yếu tố tài năng hay kỹ chiến thuật. Vua bóng đá Pele kém may mắn để rồi bị châm chọc là “Thánh Dự” hay “Đoán Toàn Sai” nhưng bằng sự tôn kính của bậc quân vương của thế giới túc cầu, huyền thoại người Brazil không phải không có cơ sở khi từng dự đoán sẽ có một đội tuyển châu Phi vô địch trước năm… 2000.

Pele chỉ… sai về thời điểm nhưng không hề sai về nhân chủng học. Hãy nhìn vào danh sách đội tuyển Pháp vô địch World Cup 2018, quá nửa đội hình chính trong trận chung kết là người gốc Phi. Không chỉ Les Bleus, hầu hết các đội bóng hùng mạnh hiện nay trên thế giới đều cần “nhân tố đen” để thành công. Real Madrid có Benzema (gốc Algeria), Liverpool có Salah và Mane, Bayern Munich có Alaba, Alphonse Davies, PSG có Kylian Mbappe v.v.

Trở lại với bóng đá châu Á, một dẫn chứng khác cho thấy sự thua sút của lục địa vàng chính là khái niệm Galacticos. Các lục địa khác đều ít nhiều sản sinh ra những huyền thoại/ngôi sao tung hoành trên sân cỏ. Kể cả Phi châu, từ năm 1995 đã có cầu thủ đầu tiên giành Quả bóng vàng châu Âu. Đó là George Weah, danh thủ người Liberia từng khoác áo AC Milan. Trong khi đó, sự thật cay đắng là lục địa vàng chưa từng đặt chân đến Dải thiên hà.

Nhìn lại 60 năm từ thời điểm cầu thủ châu Á đầu tiên chơi bóng chuyên nghiệp tại châu Âu, là trường hợp cầu thủ Hồng Kông Cheung Chi Doy đầu quân cho Blackpool vào năm 1960, các cầu thủ tóc đen da vàng ghi dấu ấn tại lục địa già cũng chỉ là hãn hữu. Khai quốc công thần có thể kể đến là Cha Bum Kun, tiền đạo người Hàn Quốc từng chơi bóng tại Bundesliga từ năm 1978 đến 1989, ghi 121 bàn sau 372 lần ra sân và 2 lần giành UEFA Cup và 1 lần vô địch Cúp QG Đức.

Tiếp nối trong thập niên 1990 là Hidetoshi Nakata, tiền vệ người Nhật Bản từng vô địch Serie A cùng AS Roma ở mùa 2000/21. Sau thành công của Nakata, thế hệ tiếp nối dần định danh cho bóng đá châu Á trên lục địa châu Âu, có thể kể đến Ali Daei (Iran), Nakamura, Honda, Kagawa (Nhật Bản), Park Chu Young, Seol Ki-Hyeon (Hàn Quốc). Thành công nhất là Park Ji Sung, tiền vệ sung mãn từng vô địch cả Premier League lẫn Champions League cùng Manchester United. Tuy nhiên, vẫn rất khập khiễng để gọi Park Ji Sung là một ngôi sao.

Trong cuốn tự truyện của mình, Andrea Pirlo, một ngôi sao đích thực, có viết: “Sir Alex cử Park Ji Sung kèm tôi. Anh ta chạy rất nhanh, lao vào tôi. Tay anh ta ôm lấy lưng tôi, tìm cách khiến tôi sợ hãi. Park Ji-Sung nhìn về trái bóng nhưng không biết để làm gì. Man United đã bố trí anh ta ngăn chặn tôi. Sự tận tụy của anh ta gần như là tuyệt đối. Dù là một cầu thủ tên tuổi, Park Ji-Sung chấp nhận để họ dùng như một con chó canh gác. Không ngôi sao nào chấp nhận vào sân lại không chạm bóng như vậy.

Son Heung Min thì khác! Tiền đạo người Hàn Quốc đang khoác áo Tottenham này đã là một ngôi sao và đang tiến tới đẳng cấp siêu sao nếu tiếp tục đà thăng tiến như hiện tại.

Ngày 28/8/2015, Tottenham và Bayern Leverkusen hoàn tất vụ chuyển nhượng Son Heung Min với mức phí chuyển nhượng 22 triệu bảng, tương đương 30 triệu euro, qua đó biến tiền đạo người Hàn Quốc trở thành cầu thủ châu Á đắt giá nhất lịch sử. 5 năm sau, kỷ lục lịch sử ấy trở nên quá khiêm tốn với Son.

Trên chuyên trang chuyển nhượng Transfermarkt, số liệu cập nhật vào tháng 1/2021, tiền đạo người Hàn Quốc được định giá 90 triệu euro, gấp ba số tiền Spurs đã chi ra. Như vậy, Son nằm trong top 20 cầu thủ đắt giá nhất thế giới, ngang bằng Bruno Fernandes và xếp trên cả Antoine Griezmann, những ngôi sao thực thụ của bóng đá đương đại. Đó là bằng chứng đanh thép cho tầm vóc của Son Heung Min hiện tại.

Đi sâu hơn vào khía cạnh chuyên môn, chỉ vài năm trước, có lẽ không ai dám tin một cầu thủ châu Á lại trở thành cặp bài trùng với chân sút số một của bóng đá Anh và thậm chí không hề kém cạnh về phần trình diễn. Từ khi gia nhập Spurs, ngoại trừ mùa giải đầu tiên mang tính bắt nhịp, những mùa giải còn lại tiền đạo người Hàn Quốc đều chạm mốc 10 bàn thắng và 5 pha kiến tạo tại Premier League.

Riêng mùa 2020/21 chứng kiến Son bùng nổ dữ dội dưới sự dẫn dắt của HLV lão làng Jose Mourinho. Cụ thể, tính đến thời điểm hiện tại, tiền đạo người Hàn Quốc đã có 12 pha lập công chỉ sau 16 trận, nhiều hơn cộng sự Harry Kane 2 bàn và chỉ kém Salah 1 bàn trong danh sách vua phá lưới.

Với hiệu suất khủng khiếp như vậy, chẳng có gì bất ngờ khi hết kỷ lục này đến kỷ lục khác bị Son xô đổ. Hạ tuần tháng 9/2020, anh trở thành cầu thủ châu Á đầu tiên lập poker tại Ngoại hạng Anh, với 4 bàn thắng trong chiến thắng 5-2 của Tottenham trước Southampton. Đến thượng tuần tháng 10, anh lập cú đúp vào lưới M.U để trở thành cầu thủ châu Á đầu tiên chạm mốc 100 bàn tại 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu. Và đến đầu năm 2021, anh chạm mốc 100 bàn cho Tottenham.

Son tạo cảm giác như cứ ra sân là ghi bàn, và ghi bàn là có kỷ lục, điều thường thấy ở Ronaldo. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên truyền thông Anh vẫn chơi chữ là Sonaldo. Dĩ nhiên, Son không chỉ giống Ronaldo ở tài săn bàn mà cả vị trí thi đấu, phong cách và đặc biệt là sự chăm chỉ.

Theo dõi Son thi đấu, người xem không thể nhận ra những đặc trưng vốn có của các cầu thủ châu Á, chẳng hạn như khéo léo nhưng rườm rà hay giàu ý chí nhưng yếu thể lực. Chỉ có làn da và mái tóc để xác nhận tiền đạo của Tottenham là người Á Đông. Son sở hữu thể hình lý tưởng, thể lực dồi dào, tốc độ khủng khiếp và kỹ năng dứt điểm tốt cả hai chân. Thống kê đã ghi nhận, Son là cầu thủ sử dụng 2 chân ấn tượng bậc nhất Ngoại hạng Anh từ 2015 đến nay. Bằng chứng là 43% số bàn thắng của tiền đạo người Hàn Quốc được thực hiện bằng chân trái, chân không thuận, tỷ lệ cao nhất giải đấu.

Điều đáng nói, như Ronaldo, những phẩm chất ưu việt của Son không hề thiên bẩm. Đó là thành quả của một quá trình đào luyện lâu dài in đậm dấu ấn khắt khe người cha, ông Son Woong Jung. Vốn là một cựu cầu thủ phải giải nghệ sớm từ năm 28 tuổi, ông Woong Jung đúc rút từ bản thân những kinh nghiệm quý báu để uốn nắn cậu con trai ngay từ nhỏ, từ việc chú trọng tập luyện các kỹ năng cơ bản cho đến lối sống chuẩn mực.

Kỷ luật thép ấy vẫn được ông Woong Jung duy trì đối với cậu con trai cho đến tận ngày nay, thế nên Son trở thành hình mẫu khiêm cung, khắc kỷ thực thụ trong giới cầu thủ. Anh không ăn chơi nhảy múa, không thị phi, đặt lý trí trên tình cảm, luôn luôn cầu thị và tuyệt đối chấp hành mọi chỉ đạo của HLV cũng như lời khuyên dặn của cha.

Nhờ một ông bố như vậy mới có một Son Heung Min như ngày hôm nay, và nhờ có Son Heung Min như ngày hôm nay, Tottenham như thể trúng số độc đắc. Thương vụ đắt giá nhất lịch sử châu Á không chỉ đem về cho Spurs cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử bóng đá châu Á mà còn cả thị trường Á Đông màu mỡ mà mọi đội bóng khổng lồ áp dụng chính sách Galacticos như Real Madrid hay Manchester United đều thèm khát.

Bằng chứng là một khảo sát của Nielsen Fan Insights cho thấy, hơn 1/5 CĐV tại Hàn Quốc cổ vũ cho Tottenham, trong khi lượng người hâm mộ Man United tại xứ sở kim chi chỉ có 6,1%. Tất nhiên, với đà phát triển như hiện tại, hoàn toàn có thể một ngày nào đó chiếc áo Spurs trở nên cũ kỹ và chật hẹp với tài năng của Son, anh sẽ tiếp bước Ronaldo để khoác áo Man United hoặc Real Madrid. Và khi đó, anh tuyệt đối đúng nghĩa là một Siêu sao/Galactico.

Đặng Xá 

Đồ họa: Châu Minh

 

Tin vừa đăng

Trung vệ Giorgio Chiellini lên tiếng bảo vệ HLV Andrea Pirlo

Trung vệ kỳ cựu Giorgio Chiellini cho biết các cầu thủ Juventus rất vui mừng khi HLV Andrea Pirlo...

HLV Mikel Arteta hy vọng Martin Odegaard ở lại Arsenal

HLV Mikel Arteta mới đây đã thừa nhận rằng Arsenal sẽ đàm phán với Real Madrid về một thỏa...

Thomas Tuchel chia sẻ về Edou trước chung kết Champions League

Thomas Tuchel hy vọng sẽ có Edouard Mendy tập luyện vào thứ Tư trước trận chung kết Champions League...

Callum Davidson kỳ vọng vào trận chiến để giữ cúp đôi

Callum Davidson cho biết anh ấy đã nghĩ đến mùa giải tới và kỳ vọng những lời đề nghị...

Ramos bị loại khỏi tuyển Tây Ban Nha

Báo chí châu Âu chiều 24-5 đưa tin cho biết đội trưởng Sergio Ramos sẽ không được triệu tập...

Chelsea đánh mất sự tập trung

Chelsea không thể duy trì sự tập trung vào thời điểm quan trọng của mùa giải. Trận thua trước...

Đọc nhiều

Trung vệ Giorgio Chiellini lên tiếng bảo vệ HLV Andrea Pirlo

Trung vệ kỳ cựu Giorgio Chiellini cho biết các...

HLV Mikel Arteta hy vọng Martin Odegaard ở lại Arsenal

HLV Mikel Arteta mới đây đã thừa nhận rằng...
- Advertisement -

Có thể bạn cũng thíchbài liên quan
Đề xuất cho bạn